VNTOUR

Du lịch Mùa Hè- Chơi khỏe re

Bình Định- Trại Phong Quy Hòa


Trại phong Quy Hòa (nay là bệnh viện điều trị bệnh phong - da liễu Quy Hòa, thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là một địa danh nổi tiếng vì nhiều lý do: nơi sống của những bệnh nhân phong (còn gọi là bệnh cùi, hủi - vốn bị người đời "ghê sợ"), phong cảnh tuyệt đẹp và đặc biệt đây là nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử (cũng là một người bị bệnh phong) đã sống, sáng tác và nằm lại vĩnh viễn.


Trại phong Quy Hòa nằm dưới một thung lũng yên bình, bên bờ biển quanh năm vi vu bên những rặng thông già.




Từ TP. Quy Nhơn (Bình Định) hoặc thị trấn Sông Cầu (Phú Yên), men theo con đường ven biển tuyệt đẹp, từ Quốc lộ 1D đi qua những bãi biển cát trắng mịn màng và những ghềnh đá cheo leo là đến trại phong Qui Hòa.

Quy Hòa cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chỉ khoảng 3 km.

Trại phong Quy Hòa nguyên là một làng chài nhỏ, tách biệt với thế giới bên ngoài bởi biển và núi non bao bọc xung quanh. Đây là một thế giới hoàn toàn tách biệt và có phần huyền bí - vì là nơi ở của những người mắc căn bệnh gây nhiều khổ đau nhất: bệnh phong (cùi, hủi).

Làng Quy Hòa được xây dựng và hình thành từ năm 1929. Khi đó, vị linh mục người Pháp tên là Paul Maheu đã tìm đến thung lũng này và xây dựng trại phong để tập hợp chữa trị, nuôi dưỡng những người bị mắc “bệnh hủi”. Thời đó, căn bệnh này được xem là bệnh nan y, bị người đời xa lánh. Vì vậy, nơi đây trở thành ngôi làng của những người bệnh nhân. Họ sống chan hòa, bảo bọc nhau trong sự chăm sóc, giúp đỡ của các nữ tu. Trong đó có những nữ tu đến từ châu Âu, hy sinh suốt cuộc đời và nằm lại vĩnh viễn nơi đất này.

Năm 1932, sau khi vị linh mục qua đời, một cơn bão đi qua san bằng hết nhà cửa. Soeur Charles Antoine và người phụ tá đã gầy dựng lại nhà cửa, tiếp tục xứ mệnh cưu mang những bệnh nhân phong.

Theo thời gian, Quy Hòa đã trở thành một ngôi làng có dáng vẻ hết sức thơ mộng, với những dãy nhà, biệt thự, nhà thờ, vườn cây ... mang phong cách kiến trúc Pháp tuyệt đẹp. Quy Hòa có thể xem như là một cái vịnh nhỏ, bờ biển uốn cong hình lưỡi liềm và quanh năm suốt tháng vi vu tiếng thông reo. Những hàng thông nay đã hàng trăm tuổi, thân đen nhánh, nghiêng mình ra phía biển.

Ngày nay, ngoài chức năng về y tế, Quy Hòa đã trở thành một địa danh, một điểm du lịch nổi tiếng của đất Bình Định. Đến đây, mọi người hầu như quên đi đây là một bệnh viện phong, mà chìm đắm trong một không gian nên thơ, trong lành và thân thiện.

Dọc bên bờ biển trong khu Quy Hòa, sau năm 1975 người ta lần lượt dựng lên một vườn tượng. Đó là các bức tượng của các danh y đông - tây, kim - cổ. Từ ông tổ ngành y đông phương Hải Thượng Lãn Ông, nhà y học tài ba của phương Tây Hippocrate đến Giáo sư Tôn Thất Tùng... - Những bức tượng diện tại đây như sự nhắc nhở về y đức, sự hy sinh và tinh thần khoa học. Hiện có khoảng 40 bức tượng như vậy.

Đến Quy Hòa, không ai không ghé thăm một căn phòng đặc biệt - nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đã ở. Khi bệnh phong phát nặng, Hàn Mặc Tử đã được đưa vào đây để các soeur chăm sóc. Tại đây, ông đã được sống trong sự yêu thương và cưu mang của mọi người.

Ở sườn đồi phía Bắc, nơi những cánh hoa rơi ngập lối đi, là ngôi mộ đầu tiên của Hàn Mặc Tử trước khi được cải táng về Ghềnh Ráng trên đồi Thi Nhân.

Biển Quy Hòa thật đẹp và nên thơ. Sóng biển vỗ về ôm lấy bờ cát. Những hàng cây phi lao rì rào trong gió điệu hát của yêu thương suốt trăm năm. Đến biển Quy Hòa vào sáng hoặc chiều, khách đắm mình trong không gian yên lành. Ai đó bảo rằng, Quy Hòa như một nàng tiên. Buổi trưa, mắc chiếc võng dưới hàng phi lao nghe biển hát, mọi lo toan đời thường như tan biến.




Vườn tượng các danh nhân ngành y 


Mộ thi sỹ Hàn Mặc Tử hiện nay, tại gềnh Ráng 


Biểu tượng sự đau khổ của bệnh nhân phong











Nơi an táng đầu tiên của Hàn Mặc Tử, nay là một ngôi mộ gió 









 Nhà thờ Quy Hòa

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Phượt Phú Quốc