Thành cổ Đồ Bàn nằm ở phía bắc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tọa lạc trên đất các thôn Nam Tân, Bắc Thuận và Bá Canh của xã Nhơn Hậu và cách thành phố Quy Nhơn 27 km về hướng bắc.
Đồ Bàn là kinh đô của vương quốc Chămpa, vốn tên là Vijaya, được xây dựng từ năm 1000. Trong các sử liệu thường phiên âm là Đồ bàn, Xà Bàn, Trà Bàn hay Chà Bàn.
Thành vị phế bỏ kể từ năm 1471 sau khi vua Lê Thánh Tông mang đại binh vào đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn và cả châu Vijaya, sau khi đổi thành phủ Hoài Nhơn trực thuộc Quảng Nam thừa tuyên.
Theo sách “Đồ Bàn Ký” của Nguyễn Văn Hiển thì: “Thành Xà bàn hình vuông xây bằng gạch, mở bốn cửa, chu vi hơn mười dặm”. Sách “Thiên Nam Tứ chí lộ đồ” vào thời Lê thì ghi: “Xã Phú Đa xưa có thành gạch gọi là thành Đồ Bàn, hình vuông, mỗi bề dài một dặm, mở bốn cửa, trong đó, có điện, có tháp, Điện đã bị sụp đổ, tháp còn 12 tòa tục gọi là tháp Con gái…”
Năm 1776, Nguyễn Nhạc cho xây dựng lại và mở rộng thêm thành Đồ bàn làm sở chỉ huy của nghĩa quân. Sách “Lê Quý Dật sử” có chép: “Nhân đất cũ của Chiêm Thành, Nguyễn Nhạc cho sửa đắp lại thành Đồ Bàn, đào lấy đá ong xây thành lũy, mở cung điện”. Đến năm 1778, thành Đồ Bàn được đổi tên là thành Hoàng đế và giữ vai trò Đại bản doanh của Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn cho đến năm 1786.
Đầu năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, xuất phát từ thành Hoàng Đế vượt biển vào Giả Định đánh tan 5 vạn quân Xiêm, lập nên chiến công vang dội ở Rạch Gầm-Xoài Mút, giữa năm 1786, quân Tây Sơn cũng dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ, từ thành Hoàng đế tiến ra Bắc Hà lật đổ chế độ chúa Trịnh, lập lại nền thống nhất quốc gia.
Từ năm 1786 đến năm 1793, thành Hoàng đế là kinh đô của chính quyền trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc. Đứng về phương diện lịch sử, thành Hoàng đế chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng đó lại là một kiến trúc quân sự quan trọng gắn liền với quá trình phát triển thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong giai đoạn đầu. Căn cứ vào những di tích còn lại, thành Hoàng đế gồm ba vòng thành: thành nội, thành ngoại và tử cấm thành.
Thành ngoại là vòng thành ngoài cùng, hình chữ nhật nhưng các cạnh uốn lượn, không thẳng, chu vi đo được 7400m. Hiện nay, quốc lộ 1A chạy qua góc đông bắc của thành ngoại và đường xe lửa thì cắt qua góc tây bắc và cạnh nam của thành. Thành mở 5 cửa, cạnh nam mở hai cửa là cửa Vệ hay cửa Nam và cửa Tân Khai. Ba cạnh đông, tây, bắc thì mở ba cửa đông, tây và bắc. Thành ngoại đắp bằng đất, phía trong và phía ngoài bó đá ong.
Thành nội có tên là Hoàng thành, được xây chếch về hướng tây nam của thành ngoại và hầu như đã bị san phẳng hoàn toàn. Thành nội cũng hình chữ nhật, chu vi đo được 1600m. Hai cạnh đông và tây, mỗi cạnh dài 430m, hai cạnh bắc và nam, mỗi cạnh dài 370m. Thành nội cũng đắp bằng đất, bên ngoài và bên trong bó bằng đá ong, chân thành rộng từ 7-9m. Thành nội mở ba cửa: Cửa Tiền hay cửa Nam ở chính giữa cạnh nam nhìn thẳng ra cửa Vệ của thành nội.
Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, hình chữ nhật, chu vi đo được gần 600m. Thành chỉ mở một cửa phía nam, rộng chừng 15m, gọi là cửa Nam Lâu hay cửa Quyển Bồng. Theo “Đồ Bàn Thành ký” của Nguyễn Văn Hiển thì thành Hoàng đế được xây dựng trên nền đất cũ của thành Đồ bàn và chỉ mở rộng về phía đông, kéo dài chu vi đến 15 dặm.
Năm 1793, Nguyễn Nhạc mất, thành Hoàng đế đổi tên là thành Quy Nhơn, lệ thuộc vào kinh đô Phú Xuân. Năm 1799, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đổi tên là thành Bình Định. Năm 1823, Gia Long phế bỏ thành Bình Định, cho chuyển ly sở về thôn Kim Châu và thôn An Ngãi, cách đó chừng 4km về phía nam (nay là thị trấn Bình Định, huyện lỵ huyện An Nhơn). Thành Bình Định hoang phế và bị hủy hoại theo thời gian.
Thành cổ Đồ Bàn hay thành Bình Định từ ấy đến nay chỉ còn trơ một dãy gò sỏi đá cùng ngọn tháp Chàm Cánh Tiên ngạo nghễ với nắng mưa và theo nhà khảo cổ Parmentrir, thì đó là trung tâm thành Đồ Bàn thuở xa xưa. Đó đây lác đác vài cây cổ thụ dáng dấp mệt mỏi u buồn cùng những bụi cây gai xương xẩu. Những ao nước như Ao Liệt, Bàu Vệ, Bàu Nóc… là những nét chấm phá, điểm tô cho toàn cảnh bức tranh Đồ Bàn ngày nay.
Ở trong khu cổ thành, những kiến trúc còn lại hầu hết đều thuộc đời nhà Nguyễn Gia Long. Đó là lăng mộ và đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Đền chỉ thu hẹp thành một tiểu đình mỗi cạnh 2m20, là di tích lầu Bát Giác nơi Võ Tánh tự thiêu mình. Trong Tử Cấm Thành hiện còn giữ 5 con nghê đá và hai con voi đá, là những di vật quý báu của nghệ thuật Chămpa còn sót lại.
Thành Đồ bàn cũng thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong yên lặng của đồng quê…
(Điêu Tàn-Chế lan Viên)
Thành Đồ Bàn không còn nữa nhưng qua các di tích và sử liệu ghi chép, du khách có thể tìm lại hình ảnh thời xa xưa.
Hiện nay, thành cổ Đồ bàn, còn gọi là thành Hoàng Đế hay là thành Bình Định đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cần được bảo tồn và trở thành nơi tham quan du lịch và nghiên cứu đầy hấp dẫn của Bình Định.
Du lịch, GO! - Theo thư viện Bình Định, ảnh internet
0 nhận xét | Viết lời bình